Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Thảm cảnh trần gian ở gia đình có 3 cha con đều ăn xin

Thảm cảnh trần gian ở gia đình có 3 cha con đều ăn xin

Thứ sáu, 28/11/2014 10:16

Lần theo thông tin cung cấp của bạn đọc, chúng tôi về xóm Văn Cử, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh tìm đến gia đình ông Từ Hữu Mậu (67 tuổi) và được chứng kiến hoàn cảnh quá ngặt nghèo của ông khi ông cùng hai cô con gái đều mù chữ, thiểu năng, hầu như không còn khả năng lao động, quanh năm suốt tháng sống bằng việc đi xin ăn.


Khổ tận những kiếp người tội nghiệp
Ông Mậu từ nhỏ vốn người ốm yếu, thất học, nhà nghèo, quanh năm suốt tháng chỉ biết làm thuê khắp vùng. Nói là làm thuê nhưng chỉ biết bổ củi, đổ phân, phun thuốc, cuốc cỏ rồi kiếm lon gạo, con cá, miếng thịt về để nuôi vợ con.
Kết duyên với bà Hương (ông Mậu không nhớ họ) quê Thạch Kênh, Thạch Hà sinh được ba cô con gái nhưng cả ba đứa đều thiểu năng trí tuệ, sức khỏe kém.
ăn xin, nhà nghèo, thiểu năng
Ba cha con nhà ông Mậu
Con gái đầu bỏ nhà đi biệt xứ mười mấy năm không biết tung tích, hiện còn chị Từ Thị Dần (41 tuổi) và chị Từ Thị Tứ (34 tuổi), cả hai chị đều không biết chữ. Cách đây hơn 20 năm, vợ ông Mậu vì không chịu đựng được sự nghèo khó nên đã bỏ về quê, nỗi khổ lại chồng chất lên đôi vai của ông Mậu.
Nhà có được hai sào ruộng nhưng không biết cách canh tác nên mỗi mùa chỉ được hơn tạ lúa, tiết kiệm mấy cũng chỉ được vài ba tháng ăn là hết. Theo chị Tứ (con gái út) và bà con hàng xóm cho biết thì từ trước đến nay ngoài những ngày Tết hầu như gia đình ông Mậu không biết đến thịt cá, cơm thì vài ba ngày mới xin được gạo nấu một lần, chủ yếu cha con chỉ đi xin và ăn trực tiếp ở nhà người ta.
ăn xin, nhà nghèo, thiểu năng
ăn xin, nhà nghèo, thiểu năng
Chỗ nấu ăn và ở của 2 con ông Mậu
Không có nguồn nước sinh hoạt: không giếng, không bể, không thùng, không xô, không chậu trữ nước, khi có gạo nấu cơm, cha con lại phải bê luôn cả nồi sang nhà hàng xóm xin nước. Việc tắm rửa, giặt giũ hầu như chỉ trông chờ vào chiếc hồ nhỏ cạnh nhà. Nói là hồ nhưng đó chỉ là một chỗ nước tù đọng bẩn thỉu.
ăn xin, nhà nghèo, thiểu năng
Chỗ tắm giặt của nhà ông Mậu
Một điều không thể tin là từ trước đến nay, gia đình ông Mậu không hề có nhà vệ sinh cho dù đó chỉ là nhà vệ sinh tạm bợ một cách tối thiểu nhất. Khi có nhu cầu vệ sinh, nếu không chạy được sang nhà hàng xóm thì ba cha con sẵn đâu ngồi đấy, khu vườn nhỏ ẩm thấp lại càng thêm ô nhiễm, mùi hôi thối nồng nặc.
Giường ngủ trong nhà không có chiếu, không có màn. Trên giường chỉ bề bộn đồ áo cũ được hỗ trợ từ đợt lũ 2010, hầu hết áo quần chỉ là tấm giẻ rách vì không được giặt giũ, phơi phóng trong nhiều năm.
Cần lắm những tấm lòng…
Năm 2009, mấy cha con ông được huyện, xã và doanh nghiệp tài trợ, làm cho 2 căn nhà nhỏ để ở. Nhà chính ông Mậu ở, còn nhà của hai đứa con gái ngay cạnh bên một gian và chái bếp. Làm xong nhà, huyện, xã còn huy động thêm để mua giường chiếu, nồi niêu, quần áo ủng hộ thêm vì lúc đó hầu như ba cha con ông Mậu không có nổi dù chỉ một chiếc giường để nằm.
ăn xin, nhà nghèo, thiểu năng
Ông Mậu ngồi trước căn bếp tồi tàn
Đưa những ái ngại về nỗi khổ trần gian của gia đình ông Mậu trao đổi với lãnh đạo địa phương, ông Trần Xuân Hải – Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Chiều nay (26/11), xã đã quyết định cho ông Từ Hữu Mậu và cô con gái Từ Thị Dần được hưởng trợ cấp, mỗi người 270.000 đồng/tháng.
“Riêng chị Từ Thị Tứ vẫn còn sức lao động và tỉnh táo hơn chúng tôi tiếp tục hỗ trợ và giúp đỡ để tự lao động và phục vụ bản thân, nếu không thể thì xã sẽ xem xét vào đợt sau”, ông Hải nói.
Về vấn đề gia đình ông Mậu không có nguồn nước, ông Hải cho biết: cuối tháng này lãnh đạo xã sẽ họp bàn tìm phương án hỗ trợ, sự thật thì hiện nay xã không có nguồn quỹ nào để hỗ trợ vấn đề này.
Cả ba cha con ông Mậu đang cần lắm những tấm lòng, sự sẻ chia của các nhà hảo tâm, để phần nào bớt khó khăn, có được những sinh hoạt tất yếu của cuộc sống mà lâu nay họ không có.

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Thanh niên Hà Tĩnh làm giàu trên chính quê hương mình

TNV - Việc triển khai, thực hiện hiệu quả 2 phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ Tổ quốc”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” do T.Ư Đoàn phát động, tuổi trẻ Hà Tĩnh đã và đang hình thành nhiều mô hình điển hình, nhiều thanh niên làm kinh tế giỏi.

Vườn cam trĩu quả của Bí thư Chi Đoàn Lê Văn Tâm – Hà Linh (Hương Khê)


Hiện nay trong toàn tỉnh có hơn 750 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ. Các mô hình chiếm đa số là “Vườn – Ao – Chuồng” (VAC), “Vườn – Ao – Chuồng – Rừng” (VACR), “Cá - Lúa”, “Cá – Vịt”, trang trại Sản xuất - Dịch vụ tổng hợp, … tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi. Hầu hết các mô hình kinh tế thanh niên đang ở quy mô hộ gia đình, tổ hợp tác và thời gian gần đây phát triển thêm nhiều hợp tác xã thanh niên do một nhóm thanh niên liên kết, góp vốn làm kinh tế.



Trong số không ít những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, có những mô hình do những người trẻ dám nghĩ, dám làm, xây dựng lên từ hai bàn tay trắng, tiêu biểu như mô hình của ông chủ trẻ Nguyễn Sỹ Khánh ởxã Gia Hanh, huyện Can Lộc. Khởi đầu lập nghiệp tại quê hương với hai bàn tay trắng cùng với ý chí quyết tâm, vợ chồng anh “Thuận vợ thuận chồng” đăng ký xin đảm nhận cải tạo đầm lầy, vay vốn đầu tư nuôi cá – vịt, qua nhiều gian nan trắc trở do dịch bệnh, thiên tai, có những lúc tưởng chừng mất hết hy vọng, đến nay mô hình của anh đã cho thu nhập bình quân hơn 400 triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 04 thanh niên với tiền công mỗi tháng 2,5 triệu đồng.
Mô hình trồng nấm sò của Nguyễn Văn Duẩn – Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh)


Đại diện cho những mô hình thanh niên đi làm ăn xa trở về lập nghiệp tại quê hương là ông chủ trẻ chưa tròn 30 tuổi Lê Anh Tuấn ở xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn. Tốt nghiệp THPT, Tuấn rời quê đi làm thợ điện tại tỉnh Bình Dương, sau một thời gian tích lũy vốn, Tuấn quyết tâm trở về lập nghiệp tại quê nhà, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương và tổ chức Đoàn, anh được trang bị về kiến thức, kỹ năng, cách tổ chức sản xuất; đến nay trang trại trồng cây keo thương phẩm kết hợp với nuôi gà, nuôi ong mật, thỏ và hươu lấy nhung đã cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm, giải quyết việc theo mùa vụ cho 8 thanh niên với mức tiền công 3 triệu đồng/tháng.



Đó còn là mô hình trang trại, chăn nuôi tổng hợp của Bí thư chi Đoàn vùng giáo Lê Văn Tâm ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê, đại diện cho phong trào phát triển kinh tế của thanh niên tôn giáo. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Tâm từ bỏ ước mơ vào đại học, ở lại quê hương tham gia làm Bí thư Chi Đoàn. Trrong môi trường đó, Tâm được trang bị về kiến thức, kỹ năng và tiếp cận được các chính sách, nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế, qua 4 năm xây dựng và phát triển, đến nay mô hình của Tâm đã có diện tích trên 10 ha, trong đó có cả các loại hình sản xuất VACR, cho thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 04 thanh niên và theo mùa vụ cho 10 thanh niên.



Không hề thua kém thanh niên nông thôn về phát triển kinh tế, mô hình trồng nấm sạch của Nguyễn Văn Duẩn ở xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh đã khẳng định sự năng động, nhạy bén trong điều kiện nền kinh tế thị trường hiện nay của thanh niên khối đô thị. Khởi nghiệp từ số vốn ít ỏi, với những kiến thức cơ bản do chính anh tìm tòi, học hỏi qua sách, báo, mạng internet và những đợt tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do tổ chức Đoàn tổ chức, Duẩn đã xây dựng mô hình trồng nấm sạch thành công, cung cấp sản phẩm cho thị trường Thành phố Hà Tĩnh và các địa phương lân cận. Không dừng lại ở đó, để tiếp tục tăng sản lượng nấm và mở rộng thị trường tiêu thụ, sau khi được tập huấn, hướng dẫn quy trình thành lập hợp tác xã, Duẩn đã vận động một số ĐVTN ở địa phương để thành lập và ra mắt HTX trồng nấm sò do anh làm chủ nhiệm. Hiện nay HTX “Nấm Sò” đang được duy trì, phát triển tốt, bình quân mỗi ngày cung cấp cho thị trường từ 50 kg – 100 kg nấm sò tươi, nấm khô, mộc nhĩ và nấm Linh Chi; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập 2 triệu đồng/tháng.
HTX nuôi lợn quy mô tập trung của Tổng đội TNXP – XDKT Tây Sơn


Những đội viên của Tổng đội TNXP – XDKT Tây Sơn (Đơn vị cấp II của Tỉnh Đoàn), nếu như trước đây với những sản phẩm chủ yếu là cây chè, cao su và một số cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi với quy mô nhỏ, lẻ thì hiện nay, sau khi có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế từ Quyết định 24 của Ủy ban Nhân dân tỉnh; cùng với sự chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện về quỹ đất, nguồn vốn, kiến thức tổ chức sản xuất của Tỉnh Đoàn, với sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng đội TNXP – XDKT Tây Sơn đã tiến hành thành lập HTX nuôi lợn tập trung với quy mô 3.000 con do 7 xã viên tham gia với tổng số vốn điều lệ 750 triệu đồng do đồng chí Trần Văn Lộc làm chủ nhiệm. Sau 9 tháng đi vào hoạt động, HTX đã xuất lứa lợn thương phẩm đầu tiên với tổng thu nhập 706,420 triệu đồng cho lợi nhuận 321,064 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho công nhân lao động với mức lương 4 triệu đồng/tháng và nhiều lao động thời vụ tại địa phương.



Những mô hình và cách làm kinh tế muôn hình, muôn vẻ của thanh niên trên các lĩnh vực, vùng miền trong toàn tỉnh đã khẳng định thêm tiềm năng thế mạnh của tuổi trẻ. Họ là những người có ý chí, dám nghĩ, dám làm, năng động, nhạy bén; biết phát huy thế mạnh, khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội. Những mô hình đó không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà giúp thanh niên hiểu rõ không phải chỉ có những người được học hành qua các trường THCN, Cao đẳng và đại học mới có thể lập nghiệp, mà hiện nay, với chủ trương, chính sách của các cấp ủy Đảng chính quyền sát đúng, hỗ trợ đến tận người dân cùng với việc “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp, thanh niên Hà Tĩnh hoàn toàn có thể khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp, làm giàu trên chính quê hương mình.


HỒNG THỦY

Sau nhiều năm bôn ba làm thuê, anh Nguyễn Văn Duẩn luôn trăn trở tìm hướng thoát nghèo trên chính quê hương

TP - Sau nhiều năm bôn ba làm thuê, anh Nguyễn Văn Duẩn luôn trăn trở tìm hướng thoát nghèo trên chính quê hương mình. Mô hình trồng nấm ra đời giúp anh Duẩn và HTX do anh là chủ nhiệm tạo thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
HTX trồng nấm của những thanh niên triệu phúAnh Nguyễn Văn Duẩn chăm sóc vườn nấm của HTX.
Trăn trở thoát nghèo
Tốt nghiệp cấp 3, ước mơ bước chân vào giảng đường đại học của Nguyễn Văn Duẩn (SN 1982, trú tại xóm Liên Thanh, xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh) phải gác lại khi nhận chia sẻ của bố mình “con đi học tiếp, không biết hai em sau sẽ thế nào”. Quyết không để bố mẹ nghèo khổ, việc học của các em phải bỏ dở, Duẩn lên đường theo bạn bè vào Nam làm công nhân. Quần quật làm cả ngày, rồi ban đêm làm thêm ca, nhưng đồng lương ít ỏi làm Duẩn nhiều lần nản chí, muốn bỏ về quê tìm việc khác. Nhưng về quê bây giờ lại thêm gánh nặng cho bố mẹ. Duẩn trăn trở: Nhiều nơi làm nông nghiệp với mô hình trang trại hiệu quả, sao quê mình không làm được?...
Sau những giờ làm công nhân ở nhà máy, Duẩn đạp xe từ vùng đất này đến vùng đất khác ở TPHCM, Bình Dương... để tìm hiểu, thăm dò. “Thấy mô hình nào đầu tư cũng hàng trăm triệu đồng. Nhiều lần nản chí muốn từ bỏ, nhưng phận làm thuê như thôi thúc mình phải cố gắng”, anh Duẩn tâm sự. Thế rồi một hôm, tham quan mô hình trồng nấm ở huyện Củ Chi, TPHCM, chàng trai nghèo như bừng tỉnh trước vườn nấm bạc tỷ của một nông dân. Sau những giờ tan ca ở nhà máy, anh Duẩn đến xin ông chủ làm không công. Thấy anh chân thật và tâm huyết nên ông chủ nhận vào làm và truyền lại nhiều bí quyết của nghề trồng nấm.
Sau ba năm tích lũy kinh nghiệm nghề trồng nấm, năm 2009, anh Duẩn khăn gói lên đường về quê với lưng vốn dắt lưng là vài bí quyết của nghề nấm. Sau nhiều lần ngăn cản Duẩn không được, bố mẹ Duẩn đành chấp nhận thế chấp ngân hàng, chạy vạy người thân gom đủ 40 triệu đồng để con đánh cược với nấm. Do Duẩn chưa có kinh nghiệm trong việc chọn giống, sau ba tháng trời mưa gió, vườn nấm gần 70m2 của anh bị còi cọc… “Cú thất bại đó mãi không bao giờ quên. Bố mẹ khóc thương vì nợ nần. Nhưng đã bước chân theo rồi phải đuổi tới cùng”, anh Duẩn quyết tâm. Chàng trai nghèo lại nhờ bố mẹ vay thêm tiền để đầu tư lứa mới và thành công đã đến với anh khi những “bình hoa nấm” đua nhau nảy nở.
CLB Thanh niên làm kinh tế giỏi
Năm 2012, khi tham gia một lớp tập huấn do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức về Hợp tác xã (HTX), anh Duẩn nảy sinh ý tưởng mở rộng quy mô lên thành HTX để giúp đỡ nhiều đoàn viên nghèo khó trong xã. “Ý tưởng kêu gọi thanh niên trong xã góp vốn để thành lập HTX trồng nấm của anh Duẩn làm mọi người bất ngờ. Ý tưởng này cũng là trăn trở bao lâu nay của lãnh đạo xã khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại xã Thạch Hạ”, Bí thư Đoàn xã Thạch Hạ, anh Phạm Văn Đức, cho biết.
Ý tưởng hay nhưng khi đi vào thực hiện lại không dễ. Nhiều đoàn viên trong xã vẫn chưa thực sự tin tưởng vào mô hình trồng nấm nên tỏ ra e dè, nhụt chí. Sau nhiều lần được thuyết phục, cam kết sẽ lo đầu ra cho sản phẩm, một số đoàn viên mới yên tâm. Và HTX trồng nấm Thạch Hạ ra đời với 7 xã viên do anh Duẩn làm chủ nhiệm. 
Để những ông chủ, bà chủ mạnh dạn đầu tư và có tổ chức, Đoàn xã Thạch Hạ đã thành lập CLB thanh niên làm kinh tế giỏi vùng ven đô. “Việc thành lập CLB là một hướng đi đúng hiện nay đối với cách làm kinh tế của thanh niên nông thôn”, anh Phạm Văn Đức nói.
HTX trồng nấm Thạch Hạ đang thực hiện mô hình mở rộng việc trồng nấm cho người dân ở thành phố Hà Tĩnh bằng hình thức “bán công nghệ” và bao tiêu sản phẩm. Sau khi nấm nguyên liệu đóng thành bịch để bán hoặc thuê người dân chăm sóc, sản phẩm làm ra nếu người dân không bán được ra thị trường, HTX sẽ mua lại. “Hiện có hơn 10 người mua hàng chục nghìn bịch về chăm sóc với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ”, anh Duẩn nói. Các loại nấm của HTX ngày càng đa dạng như mộc nhĩ, sò tươi, linh chi… Với số vốn đầu tư ban đầu gần 500 triệu đồng diện tích vườn gần 1.000m2, HTX giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức lương 3 triệu đồng/người. Thu nhập mỗi năm của HTX trồng nấm Thạch Hạ từ 300 triệu đồng trở lên. Nói về hướng phát triển tương lai, anh Duẩn chia sẻ, để giúp những thanh niên trong xã yên tâm về mô hình trồng nấm, HTX đang làm đơn xin mở rộng diện tích và tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm không chỉ ở trong nước mà mở rộng ra cả nước ngoài. Anh Phạm Văn Đức cho biết, thành công bước đầu của HTX trồng nấm Thạch Hạ như phát súng mở đầu trong phong trào thanh niên làm kinh tế trong xã. “Hiện toàn xã có 10 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, giải quyết việc làm cho hơn 100 đoàn viên thanh niên, với thu nhập từ 3 đến 6 triệu đồng/người”, anh Đức nói.
Minh Thùy

Hiệu quả từ mô hình trồng nấm ở Thạch Hà. (01/04/2011)

Hiệu quả từ mô hình trồng nấm ở Thạch Hà. (01/04/2011)
Thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện Thạch Hà - Hà Tĩnh đã triển khai mô hình trồng các loại nấm cho một số xã từ giữa năm 2010. Với sự giúp đỡ của cán bộ Trung tâm Chuyển giao Khoa học Công nghệ (CGKHCN) huyện, đến nay mô hình đã thu được những kết quả khả quan, nhiều giống nấm quý được đưa vào trồng đã cho thu hoạch với năng suất khá cao, mở ra hướng làm ăn mới cho lao động nông thôn.

Để người dân tiếp cận và áp dụng Khoa học kỹ thuật vào sản xuất nấm, trước khi thực hiện mô hình, cán bộ Trung tâm CGKHCN phối hợp với các tổ chức đoàn thể trên địa bàn mở lớp tập huấn cho người dân có nhu cầu học nghề trồng nấm. Từ khi được giới thiệu sản phẩm giống nấm chất lượng cao. Chị Trần Thị Minh chủ hộ thực hiện thí điểm mô hình trồng nấm ở Thạch Tân - Thạch hà đầu tư gần 10 triệu đồng xây dựng nhà chăm sóc, nuôi dưỡng, mua rơm và giống nấm. Đến nay gia đình chị Minh có gần 1.000 bịch nấm sò và đã thu hoạch một nữa thời gian ngày được hơn 500kg bán được hơn 10 triệu đồng. Chik Minh cho biết "Trồng nấm đầu tư ban đầu thấp, nguồn nguyên liệu dể kiếm như: rơm rạ, mùn cưa, nhưng trồng nấm lại cho thu nhập khá cao mùa vụ tiếp theo tôi sẽ tiếp tục đưa mô hình trồng nấm này ra diện tích rộng hơn”.
Hiện nay nhiều gia đình tại xã Thạch Tân mong muốn chuyển đổi sang nghề trồng nấm. Gia đình chị Phan Thị Duyên ở thôn Trung Hòa xã Thạch Tân thì chỉ đầu tư nhà trồng nấm, còn bịch nấm đã đực cấy giống chị mua ở Trung tâm nấm Thạch hà. Hàng ngày chị chỉ bỏ công chăm sóc. Với 1.500 bịch nấm chị mua hết gần 5 triệu đồng, sau 70 ngày thu hoạch được 1.5 tấn nấm tươi cho gia đình chị thu nhập gần 25 triệu đồng. Việc thực hiện thành công mô hình trồng nấm ở hộ đi tiên phong sẽ là động lực để bà con mạnh dạn chuyển đổi nghề nghiệp. Cùng với thị trường tiêu thụ nấm các loại khá rộng như hiện nay, việc nhân rộng thành công mô hình trồng nấm hộ gia đình ở xã Thạch Tân sẽ tạo việc làm cho nhiều lao động, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.
Để góp phần tạo việc làm cho người dân, huyện Thạch Hà chủ trương tiếp tục chuyển giao nghề trồng nấm trong những năm tiếp theo. Năm 2010 Trung tâm nấm huyện Thạch hà đã sản xuất và cung ứng được 16 tấn giống nấm các loại. Toàn huyện có 109 hộ của 11 xã trồng nấm tập trung đạt 122 tấn nấm thương phẩm. Trung tâm CGKHCN đã tổ chức được 11 lớp tập huấn cho hơn 300 lượt người về kỹ thuật trồng nấm. Phối hợp với dự án IMPP Hà Tĩnh và các Trung tâm đào tạo nhề các huyện tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề trồng nấm cho hàng trăm lượt người ở các huyện: Can Lộc, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Hương Khê. Điều đán nghi nhận là hiện nay Trung tâm đã chuyển giao nghề trồng nấm thành công cho 20 hộ ở vùng tái định cư Kỳ Hoa, Kỳ Liên huyện Kỳ Anh. Anh Nguyễn Văn Sáu - Phó Giám đốc Trung tâm CGKHCN của huyện cho biết: “ Hiện nay trung tâm đã làm chủ được công nghệ sản xuất các loại giống nấm. Song song với việc cung ứng giống, Trung tâm sẽ đào tạo tập huấn kỹ thuật để người trồng nấm đạt hiệu quả cao. Nguồn giống xuất ra đủ để phục vụ cho nhu cầu của người trồng nấm trong và ngoài tỉnh."
NASATI (Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh, ngày 30/03/2011

Nấm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng

Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Nghề trồng nấm Hà Tĩnh - Cơ hội và thách thức

Thứ ba - 28/10/2014 15:53
Nấm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và là mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao: Hàm lượng protein chỉ sau thịt, cá, rất giàu các chất khoáng và các axit amin không thay thế, các loại vitamin A, B, C, D, E,...
Nghề trồng nấm Hà Tĩnh - Cơ hội và thách thức
Nghề trồng nấm Hà Tĩnh - Cơ hội và thách thức
Ngoài các giá trị về mặt dinh dưỡng, một số loại nấm còn có giá trị làm thuốc chữa bệnh: nấm hương có tác dụng bổ huyết, trừ phong, chữa bệnh đậu mùa cho trẻ em, chữa bệnh sùi da, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chữa bệnh huyết áp cao, giảm cholesterol; Nhiều loại nấm chứa polysacharit nâng cao khả năng ức chế u bướu, một số loại còn có khả năng phòng chống bệnh ung thư. Bên cạnh đó phát triển sản xuất nấm ăn góp phần tận dụng nguồn phế phẩm của nông nghiệp và sử dụng được nguồn lao động dồi dào trong nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng Nông thôn mới, bảo vệ môi trường.
Với những ý nghĩa to lớn đó, ngày 12/11/2013 nấm ăn và nấm dược liệu được đưa vào danh mục sản phẩm Quốc gia theo Quyết định số 2690/QĐ-BNN-BKHCN. Tại tỉnh Hà Tĩnh, sớm xác định đây là một trong những sản phẩm nông nghiệp có thể phát triển mạnh trên địa bàn; từ những năm 2002 đến nay, Sở KH&CN và Bộ KH&CN đã đầu tư thực hiện thành công nhiều dự án KH&CN, đã tiếp nhận và làm chủ nhiều quy trình từ khâu sản xuất giống đến sản xuất thương phẩm đối với nhiều loại nấm. Đặc biệt, đầu năm 2013 Hà Tĩnh đã kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách nhằm tạo bước đột phá trong phát triển nghề trồng nấm và đưa nấm ăn, nấm dược liệu trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương như công văn số 197/UBND-NL1 ngày 17/01/2013 của UBND tỉnh về việc tập trung chỉ đạo thực hiện nhân rộng mô hình nấm; Quyết định số 1453/QĐ-UBND ngày 22/5/2013 về việc phê duyệt Đề án Phát triển sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020; Quyết định số 09/2013/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung Quyết định số 26/2012/QĐ-UBND về quy định tạm thời về hỗ trợ vay vốn các tổ chức tín dụng phát triển sản xuất; Quyết định 26/2014/QĐ-UBND về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chủ yếu của tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020. Đây là những cơ sở khoa học và pháp lý quan trọng thúc đẩy nghề nấm phát triển trong tương lai.
Với sự nổ lực, vào cuộc tích cực của cấp ủy chính quyền từ tỉnh đến địa phương, quyết tâm của bà con nông dân; định hướng đúng đắn, hỗ trợ có hiệu quả của Sở KH&CN tỉnh và Bộ KH&CN, nghề sản xuất nấm Hà Tĩnh ngày một phát triển: Thành lập Trung tâm Phát triển nấm ăn và nấm dược liệu, đến nay Trung tâm đã được đầu tư xây dựng được một hệ thống đầy đủ trang thiết bị, đảm bảo phục vụ nhu cầu của bà con nông dân trong và ngoài tỉnh; đã tiếp nhận và làm chủ công nghệ sản xuất 11 loại giống nấm từ công đoạn nuôi cấy giống gốc, cấp 1, cấp 2, cấp 3 đến sản xuất phôi, bịch giống chất lượng cung cấp cho nhu cầu sản xuất, đặc biệt là các loại nấm sò, mộc nhĩ, nấm rơm, đùi gà, kim châm, ngọc châm và nấm linh chi,... Qua số liệu của khảo sát năm 2013 của Chi đoàn Thanh niên Cộng sản HCM (Sở KH&CN) cho thấy, việc xây dựng mô hình trồng nấm ở Hà Tĩnh đã có những bước phát triển khá nhanh về số lượng, qui mô: Nếu năm 2010 toàn tỉnh có 37 cơ sở trồng nấm thì đến năm 2011 có 48 cơ sở, năm 2012 có 100 cơ sở và năm 2013 tăng lên 169 cơ sở (với sự tham gia của 287 hộ). Diện tích trồng nấm tăng nhanh qua các năm: nếu như năm 2010 diện tích lán trại trồng nấm toàn tỉnh là 3.580m2 thì năm 2013 là 21.515m2 tăng gấp 6 lần bình quân mỗi năm tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Tỷ lệ lán trồng nấm kiên cố và bán kiên cố trên 70%, tỷ lệ số hộ có diện tích trên 50 m2 chiếm trên 75 %. Người dân bắt đầu có niềm tin vào nghề trồng nấm và đang chuyển hướng mạnh mẽ sang sản xuất hàng hóa với qui mô ngày càng lớn. Sản lượng nấm các loại năm 2013 đạt khoảng 300 tấn trong đó nấm sò, mộc nhĩ và nấm rơm chiếm khoảng 80% còn lại là nấm dược liệu.
Thị trường tiêu thụ nấm ngày càng được mở rộng trong và ngoài tỉnh, là điều kiện quyết định cho phát triển sản xuất ở Hà Tĩnh. Thị trường trong nước đang trở nên sôi động hơn khi người tiêu dùng, các khách sạn, nhà hàng đã trở nên quen thuộc đối với món ăn từ nấm. Mặt khác Hà Tĩnh đang trong thời kỳ kinh tế phát triển nhanh, nhiều dự án được triển khai thu hút lực lượng lớn lao động, chắc chắn  thị trường tiêu thụ nấm ăn trong thời gian tới sẽ tăng nhanh.
Tuy số lượng các tác nhân tham gia ngành hàng nấm của Hà Tĩnh khá đa dạng, nhưng sản phẩm chính trong các kênh phân phối vẫn là nấm tươi (nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ tươi, kim châm, đùi gà) và mộc nhĩ khô, linh chi, nấm hương. Riêng đối với nấm mộc nhĩ và linh chi là sản phẩm đặc thù chủ yếu được tiêu thụ ở dạng khô (qua phơi nắng hoặc sấy), số lượng sản phẩm nấm còn ít và đang yếu trong vấn đề bảo quản, chế biến. Đây là hạn chế lớn nhất làm cho chuỗi giá trị tham gia thị trường không phong phú. Hiện nay ngành hàng nấm Hà Tĩnh có 3 kênh tiêu thụ, qua phân tích số liệu điều tra cho thấy: Đối với từng đối tượng nấm khi kênh tiêu thụ khi càng qua nhiều tác nhân của chuỗi giá trị thì giá trị càng tăng lên, ví dụ đối với nấm sò: Kênh tiêu thụ 1 (Cơ sở sản xuất -> Người tiêu dùng): Giá trị lợi nhuận đạt 41,06 % so với chi phí sản xuất; Kênh tiêu thụ 2 (Cơ sở sản xuất -> Cơ sở thu gom, phân phối -> Người tiêu dùng): Giá trị lợi nhuận đạt 52,67 % so với chi phí bỏ ra (sản xuất và thu gom, phân phối), tăng 11,61 % lợi nhuận so với kênh tiêu thụ 1; Kênh tiêu thụ 3 (Cơ sở sản xuất -> Cơ sở thu gom, phân phối -> Bán lẻ -> người tiêu dùng): Giá trị lợi nhuận đạt 62,52 % so với chi phí bỏ ra (sản xuất, thu gom, phân phối và bán lẻ), tăng 11,61 % lợi nhuận so với kênh tiêu thụ 2 và 21,46 % so với kênh tiêu thụ 1. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ nấm ở Hà Tĩnh đang chủ yếu thuộc Kênh tiêu thụ 1 đối với tất cả các sản phẩm nấm (trung bình trên 60 % dòng hàng chu chuyển qua kênh này), đây chính là nguyên nhân làm cho thị trường ngành hàng nấm Hà Tĩnh chưa thực sự phát triển.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong vấn đề tiêu thụ, Sở KH&CN đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng qua nhiều kênh thông tin. Qua 2 năm 2013, 2014 đã có 7 chuyên đề truyền hình; 6 số Báo Hà Tĩnh; 5 lớp tập huấn tại các xã với gần 1000 học viên và thông tin qua bản tin KHCN với nông thôn và tập san khoa học công nghệ, đài phát thanh, các báo ở địa phương và TW,…truyền thông về sản xuất, giá trị dinh dưỡng, thị trường nấm. Xây dựng và đưa vào sử dụng Website “Namhatinh.com.vn” là trang web chia sẻ kiến thức tổng hợp về kỹ thuật sản xuất nấm (trồng, chế biến, bảo quản…), các thông tin thị trường, thông tin về chính sách hỗ trợ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nấm,... và các thông tin cần thiết khác với mục đích hướng dẫn, giúp đỡ người sản xuất nấm nắm rõ kỹ thuật, chính sách hỗ trợ của nhà nước, từng bước tiếp cận thị trường tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nấm. Ngoài ra, Sở còn triển khai thử nghiệm gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá và đầu mối kinh doanh các sản phẩm từ nấm tại Thành phố Hà Tĩnh. Gian hàng đã được đầu tư trang bị một số thiết bị bảo quản nấm tươi, có diện tích tương đối rộng rãi, nằm ở vị trí trung tâm của Thành phố nên khá thuận lợi trong việc giới thiệu, giao dịch mua bán nấm. Tuy nhiên, về lâu dài cần có những giải pháp tổng thể giải quyết đầu ra cho sản phẩm nấm, như: sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, sự tác động của công nghệ khoa học kỹ thuật để tổ chức sản xuất tốt hơn; xây dựng mối liên kết giữa hộ sản xuất với người tiêu dùng, người thu gom phân phối, các đại lý bán buôn,…; tăng cường thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm nấm; chú trọng công tác xây dựng thương hiệu; hình thành và phát triển các cơ sở chế biến nấm tham gia vào chuỗi tiêu thụ sản phẩm,… Hợp tác trong trồng nấm là một xu hướng tất yếu trong cơ chế thị trường vì nó tạo ra sức mạnh cho những người trực tiếp sản xuất. Các hoạt động liên kết trong chuỗi có thể là (i) Mua chung giống, (ii)  Phòng trừ sâu bệnh, (iii) Tiêu thụ sản phẩm, (iv) Thông tin thị trường. Liên kết trong trồng nấm không những tạo ra thị trường cung cấp hàng hoá với số lượng lớn để đáp ứng những khách hàng lớn mà còn chống được rủi ro, hỗ trợ, tương trợ nhau về giống, vốn và kỹ thuật. Ở Hà Tĩnh vấn đề này còn rất manh mún, có một vài nơi làm thí điểm nhưng chưa được nhân rộng và thành công như mong đợi. Nếu làm tốt chức năng dịch vụ đầu vào, đầu ra trong nghề nấm đó là một hướng đi phù hợp với những vùng có tiềm năng trồng nấm lớn. Thực hiện được điều này sẽ góp phần giảm được chi phí đầu vào, có thể ký kết những hợp đồng tiêu thụ với khối lượng lớn.
Để nghề trồng nấm ở Hà Tĩnh ngày càng có những bước tiến vững chắc hơn cần tiếp tục có sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành liên quan, cấp ủy chính quyền các địa phương và nỗ lực, quyết tâm của bà con nông dân. Sản xuất nấm chỉ có thể tạo bước đột phá khi sản phẩm làm ra được công chúng đón nhận và tự bản thân nó phải đâm chồi, bén rễ ngay trong môi trường cạnh tranh./.

 
Nguyễn Duy Hưng

Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh

Tìm lối ra cho nghề trồng nấm

Tìm lối ra cho nghề trồng nấm

Được mệnh danh là “hoàng hậu thực vật” và “vua của các loài rau”, những món ăn từ nấm đã trở nên khoái khẩu trong đời sống ẩm thực hàng ngày. Tuy nhiên, sau 10 năm “du nhập” vào địa bàn Hà Tĩnh, nghề trồng nấm vẫn chưa thực sự tìm được chỗ đứng vững chắc và phát huy được công dụng và hiệu quả như vốn có…
Tìm lối ra cho nghề trồng nấm
Huyện Thạch Hà đã có 270 hộ tham gia sản xuất nấm với sản lượng khoảng 150 tấn các loại
Xét về lợi ích xã hội, trồng nấm có thể tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ thải ra để làm nguyên liệu chính cho nghề trồng nấm và quy trình được quay vòng khi bã nấm được tận dụng làm phân vi sinh để bón đồng ruộng. Đồng thời giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường, bởi sau mỗi vụ thu hoạch rơm rạ được người dân thanh lý bằng cách gom lại và châm lửa đốt. Nghề trồng nấm còn góp phần tích cực vào GQVL và là sản phẩm chủ lực giúp người dân vùng nông thôn XĐGN. Thêm nữa, vào thời điểm giá rét các loại rau không thể phát triển thì nấm sẻ là sự lựa chọn số 1 để thay thế. Biết vậy, nhưng để nghề trồng nấm phát huy được hiệu quả chẳng đơn giản. Sự khởi đầu của nghề trồng nấm được đánh dấu vào thời điểm năm 2002. Trung tâm chuyển giao KHCN huyện Thạch Hà dưới sự hỗ trợ của Sở KH&CN đã lựa chọn một số hộ nông dân tiêu biểu để thử nghiệm sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, khó khăn lại nảy sinh khi mới bắt tay trồng nấm mà một trong những nguyên nhân ngoài việc không chủ động được nguồn giống thì thị trường tiêu thụ sản phẩm được coi là rào cản lớn nhất do người tiêu dùng chưa hiểu rõ giá trị dinh dưỡng và công năng của nấm. Cùng đó là công nghệ sản xuất chưa phát triển nên chi phí đầu vào khá cao khiến nhiều hộ trồn nấm nản lòng. Và rồi, cứ thế trồng nấm cũng chỉ tồn tại một cách hắt hiu. Trong quá trình chật vật tìm lối thoát, cuối cùng “ánh sáng cuối đường hầm” cũng lộ ra khi Bộ Khoa học & Công nghệ đầu tư số tiền hơn 1,6 tỷ đồng (chưa kể vốn đối ứng) để Trung tâm chuyển giao huyện Thạch Hà xây dựng hệ thống phòng lạnh bảo quản và chế xuất giống sau khi nhập “phôi” từ Hà Nội về. Nguồn giống không chỉ phục vụ trên địa bàn tình mà còn góp phần cung cấp giống nấm cho các “láng giềng”: Nghệ An, Quảng Bình.. Cho đến nay, Trung tâm ứng dụng KHCN Thạch Hà đã làm chủ công nghệ sản xuất giống cấp: 1,2,3 và công nghệ nuôi trồng 10 loại nấm (sò, rơm, đùi gà, ngọc châm, linh chi…). Chỉ tính riêng trong hai năm 2011-2012 các cán bộ trung tâm đã tham gia làm giảng viên cho 19 lớp đào tạo nghề trồng nấm cho 680 học viên là nông dân của cả 12 huyện thị và thành phố. Huyện Thạch Hà ở thời điểm hiện tại đã có 270 hộ tham gia sản xuất nấm với sản lượng khoảng 150 tấn các loại cho giá trị thu nhập hàng tỷ đồng, GQVL cho hơn 500 lao động nông thôn. Tuy nhiên nhìn nhận toàn diện thì ngoài Thạch Hà, Đức Thọ, Can Lộc là những huyện “nặng lòng” thì sản xuất nấm ở các huyện khác vẫn đang tình trạng đì đẹt. “Có thể họ coi ngày công thu nhập không cao hơn các việc làm khác nên chẳng mặn mà. Hơn nữa đối nguồn nước nhiễm phèn Nghi Xuân không thể thích hợp với nghề trồng nấm. Tuy nhiên phải khẳng định trừ những yếu tố bất khả kháng như lụt, bão lớn và kéo dài, nghề trồng nấm không chứa đựng rủi ro. Đơn giản là 9 tháng trong năm người dân có thể trồng, chỉ cần có nguồn nước không phèn, không nhiễm mặn đảm bảo 6-7,5 độ PH là được. 1 tấn rơm có thể sản suất 6-8 tạ nấm” - Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng KHKT huyện Thạch Hà Nguyễn Viết Dần phân tích. Mặc dù nấm được mệnh danh là “hoa hậu thực vật” và “vua của các loài rau”, nhưng không phải ai cũng nhận thức được điều này. Có thể do giá cả loại “rau” này cao gấp đôi các loại rau khác nên người tiêu dùng còn thờ ơ khiến nguồn “cung” bị ứ động; hoặc do nhận thức chưa rõ ràng về hiệu quả kinh tế lâu dài và bền vững nên người sản xuất thiếu mặn mà. Bằng chứng là cho đến nay thị trường tiêu thụ phần lớn chỉ ở thành phố Hà Tĩnh. Có một thực tế là cho đến nay, người dân mới chỉ sản xuất ra các loại nấm mỡ, nấm sò, nấm rơm, trong khi các sản phẩm sản xuất ra không thể giữ được lâu. Mặc dù biết rằng đây là rau sạch 100% nhưng nếu không tiêu thụ được và không có phòng lạnh bảo quản nấm sẽ bị hỏng. Ở các nước tiên tiến nấm không chỉ tiêu thụ ở dạng tươi mà người ta còn có thể bảo quản bằng cách chế biến rồi đóng gói vào lọ thủy tinh hay hộp sắt, nấm có thể giữ được cả năm. Nhưng, hiện tại, khi chưa có “đầu ra” ổn định thì không thể nói là cây nấm sẽ có chỗ đứng vững vàng để phát huy tác dụng như vốn có. Nấm ăn giàu chất Phytochmical giúp cơ thể chống bệnh ung thư. Nhiều cuộc nghiên cứu trên loài chuột, nấm ăn giúp ngăn không cho các tế bào ung thư tuyến tiền liệt sinh sôi nảy nở và các chuyên gia tin rằng kết quả này có thể áp dụng ở người. Ngoài giá trị dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, nấm ăn còn có những tác dụng phong phú khác như tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, kháng vi rút, đồng thời vừa có tác dụng điều tiết công năng tim mạch làm tăng lưu lượng máu động mạch vành... Hoài Nam - Tiến Dũng

Hà Tĩnh: Hướng đi mới trong phát triển kinh tế bền vững vùng ven biển

Hà Tĩnh: Hướng đi mới trong phát triển kinh tế bền vững vùng ven biển 
17:32 | 03/09/2014
(ĐCSVN) - Sau gần một năm triển khai, dự án "Xây dựng mô hình rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh" đã thu được những kết quả khả quan, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân vùng ven biển Hà Tĩnh, tạo tiền đề cho sự phát triển của ngành nông nghiệp an toàn, gắn với thị trường và xuất khẩu.

Tín hiệu vui từ một dự án


 
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân cách chăm các loại cây trồng  (Ảnh: KL)
Năm 2013, sau khi tham quan, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật từ những trang trại trồng các loại rau, củ, quả trên vùng đất cát tại Dongshan (Trung Quốc), Tổng Công ty Khoán sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh phối hợp với Công ty TNHH Finepon (Hồng Kông) xây dựng dự án "Xây dựng mô hình rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh". Dự án được xây dựng và triển khai theo các kỹ thuật và công nghệ cao của Dongshan và bước đầu được thực hiện trên diện tích 12 ha của vùng cát hoang hóa ở xóm Tân Văn, xã Thạch Văn. Măng tây, hành tây, hành lá, cà rốt, khoai lang , củ cải trắng, cải bẹ, lạc, dưa hấu, dưa chuột, cải thảo, cà chua đậu tứ quý, ớt Đà Lạt, bí ngòi Israel là những loại rau, củ, quả được chọn trồng thử nghiệm tại xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà).


Đến nay, các loại rau, củ, quả được lựa chọn trồng thử nghiệm đều phát triển tốt, cho năng suất cao. Đặc biệt có một số loại rau củ cho năng suất rất cao như củ cải trắng đạt từ 20 -22 tấn/ha, cà rốt đạt 8 -10 tấn/ha, cà chua 10 -12 tấn/ha... Các sản phẩm sau thu hoạch được tiêu thụ rộng rãi tại các chợ trung tâm cũng như tại các khu công nghiệp, siêu thị của Hà Tĩnh. Ngoài ra, các sản phẩm còn được chuyển ra các thị trường Nghệ An và Hà Nội... mang lại giá trị kinh tế cao, thu nhập trung bình đạt từ 100 - 200 triệu/ha.

Là một trong những đơn vị tham gia xây dựng và thực hiện dự án, ông Dương Tất Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh cho biết: Mặc dù được áp dụng theo công nghệ cao Dongshan, song phương pháp trồng rau sạch trên cát bạc màu ở Hà Tĩnh được thực hiện theo mô hình mới, nguồn nước tưới cho rau luôn được đảm bảo với những hồ nước nhân tạo có lượng dự trữ từ 5.000 - 10.000 m3 và được tưới bằng hệ thống phun mưa bán tự động - một phương pháp hiện đại vừa giúp tiết kiệm nước tưới, vừa hạn chế cây trồng ngã đổ. Phân vi sinh sử dụng chăm sóc cây trồng được tái chế từ rác thải ở Nhà máy rác Cẩm Xuyên. Các loại giống rau, củ, quả đều được kiểm tra chặt chẽ trước khi trồng để đảm bảo an toàn giúp cây trồng phát triển nhanh, khoảng 60 - 70 ngày đã có thu hoạch... Sau gần một năm triển khai, dự án đã được triển khai trên địa bản 7 huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh gồm Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân, Đức Thọ và Vũ Quang với tổng diện tích lên đến 160 ha. Dự kiến, trong năm 2014, Hà Tĩnh sẽ mở rộng diện tích rau, củ, quả lên 215,2 ha, kể cả trồng tại một số vùng bãi bồi của các địa phương miền núi.

Thành công bước đầu của dự án "Xây dựng mô hình rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh" không chỉ có tác động biến những vùng cát trắng ven biển thành vùng sản xuất hàng hóa, tạo được nguồn sản phẩm sạch cho thị trường, giải quyết công ăn việc làm cho người dân vùng biển mà còn khẳng định được hiệu quả từ phương thức sản xuất mới dựa trên các giải pháp khoa học - công nghệ hiện đại. Đây cũng là một bước đột phá, một hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân vùng ven biển Hà Tĩnh nói riêng cũng như tạo cơ sở và động lực để từng bước đưa nền sản xuất nông nghiệp của Hà Tĩnh nói chung thoát khỏi kiểu sản xuất truyền thống, hướng đến một nền sản xuất hàng hóa hiện đại, an toàn và bền vững.

Mô hình kinh tế hiệu quả cần nhân rộng

Trong nhiều năm qua, việc trồng các loại rau, củ, quả tại Hà Tĩnh nói chung cũng như tại các vùng ven biển gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Thế nhưng, kể từ khi tỉnh Hà Tĩnh triển khai dự án "Xây dựng mô hình rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh" đã biến dải cát vùng ven biển Hà Tĩnh trở thành những cánh đồng rau, củ, quả xanh tốt, cho thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/ha, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng ven biển.

Xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà) là một trong những địa phương đầu tiên được chọn trồng thí điểm các loại rau, củ, quả của dự án. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm triển khai, toàn bộ diện tích dải cát trắng hoang hóa ven biển xã Thạch Văn đã được bao phủ một màu xanh mướt của những cánh đồng rau, củ, quả. Ông Nguyễn Khắc Dong - Chủ tịch UBND xã Thạch Văn phấn khởi cho biết, từ khi dự án trồng rau sạch trên cát được đưa vào thực hiện, bước đầu đã có những khởi sắc, tạo việc làm cho hàng chục hộ gia đình ở đây, đồng thời cũng tăng thu nhập cho người dân. Với những kết quả bước đầu đạt được, dự án này hy vọng sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, là động lực giúp chính quyền và nhân dân xã Thạch Văn phấn đấu hoàn thành mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong năm 2015 sắp tới.


 
Hà Tĩnh đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quy hoạch sản xuất rau, củ, 
quả trên đất cát ven biển đến năm 2020 (Ảnh: baohatinh.vn)
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Quang Tuấn, Trưởng Ban quản lý dự án "Xây dựng mô hình rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh" cho biết: Sau bao công sức tìm tòi, nghiên cứu, thực nghiệm, đến nay, dự án trồng rau xanh tại vùng cát hoang hóa ven biển đã thành công ngoài sức mong đợi. Hàng chục tấn rau, củ, quả sạch đã được thu hoạch, bán cho các cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Vùng cát Thạch Văn nói riêng và các xã ven biển Hà Tĩnh sẽ thực sự "thay da đổi thịt" trở thành những vùng đất trù phú cho các loại rau xanh phát triển...


Đánh giá về hiệu quả của dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự cho rằng: “Xây dựng mô hình rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh" là một mô hình kinh tế quan trọng cần được nhân rộng để giải quyết công ăn việc làm, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo tại các địa phương của Hà Tĩnh.

Nhằm hỗ trợ các địa phương trên địa bàn tỉnh nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả này, tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định tạm thời về một số chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đi đầu triển khai thực hiện mô hình cải tạo đất cát hoang hóa, bạc màu tại các xã ven biển để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả công nghệ cao. Theo đó, ngân sách của UBND tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ 100% kinh phí giống, phân bón, đào tạo, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ từ 50 - 80% kinh phí đầu tư san lấp mặt bằng lần đầu, đào hố, đào giếng chứa nước tưới, kênh tưới tiêu, bơm nước và hệ thống ống tưới; hỗ trợ một phần kinh phí cho các đơn vị trực tiếp thu mua, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm...

Thực hiện chủ trương mở rộng quy mô dự án trồng rau, củ, quả trên cát của tỉnh, vào trung tuần tháng 7 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành và công bố Quy hoạch vùng sản xuất rau, củ quả trên đất cát ven biển đến năm 2020. Quy hoạch này nhằm khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động và nguồn lực xã hội để phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng chuyên canh có năng suất, chất lượng tốt để cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường và hướng tới xuất khẩu.

Theo phê duyệt, Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2020 hình thành các vùng sản xuất rau, củ, quả, ứng dụng công nghệ cao trên cát với diện tích 684,1ha (trong đó 275,8ha diện tích sản xuất ổn định và 426,3 ha diện tích sản xuất tạm thời) thuộc địa bàn 13 xã của 4 huyện với sản lượng đạt 23 ngàn tấn, giá trị sản xuất đạt khoảng 230 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu đạt 6 triệu USD/năm; giải quyết việc làm cho 12 ngàn lao động với thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Tĩnh hình thành mạng lưới kênh tiêu thụ ổn định, xây dựng và khẳng định thương hiệu "Rau tươi sạch Hà Tĩnh", bảo đảm số lượng - chất lượng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, hướng đến xuất khẩu 50% sản lượng...

Để hoàn thành tốt mục tiêu theo Quy hoạch đề ra, tỉnh Hà Tĩnh đã quán triệt, chỉ đạo các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức trong sản xuất cho các tầng lớp nhân dân; làm tốt công tác chỉ đạo và quản lý quy hoạch; khẩn trương thực hiện quản lý sử dụng đất, giao đất, cho thuê nhằm đất nhằm đảm bảo đúng quy định, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật nhằm; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ thỏa đáng cho phát triển sản xuất trên cơ sở gắn với chính sách tái cơ cấu nông nghiệp; đẩy mạnh công tác khuyến nông và đào tạo nguồn nhân lực; lựa chọn hình thức tổ chức sản xuất phù hợp và tăng cường liên kết trong sản xuất; quan tâm đặc biệt đến xúc tiền thương mại, xây dựng hệ thống tiêu thụ sản phẩm...


 
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự (đứng giữa) kiểm tra chất lượng 
cây trồng tại vùng cát ven biển xã Thạch Văn
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, tính đến thời điểm này, tổng diện tích đất của các địa phương, doanh nghiệp đăng ký sản xuất rau, củ, quả đạt 211 ha. Các địa phương đã thành lập được 3 hợp tác xã và 6 tổ hợp tác để việc triển khai mở rộng diện tích trồng rau, củ, quả được thuận lợi, kịp tiến độ.


Hy vọng với quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng như các cấp, các ngành, các đơn vị thực hiện, dự án trồng rau, củ, quả trên cát của tỉnh Hà Tĩnh sẽ gặt hái được nhiều thành công to lớn hơn nữa, khẳng định sự thành công của một hướng đi trong phát triển kinh tế bền vững vùng ven biển nói riêng cũng như của toàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung; phấn đấu đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những thị trường cung cấp các loại rau, củ, quả sạch, chất lượng tốt cho nhiều địa phương trên cả nước./.