Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Thảm cảnh trần gian ở gia đình có 3 cha con đều ăn xin

Thảm cảnh trần gian ở gia đình có 3 cha con đều ăn xin

Thứ sáu, 28/11/2014 10:16

Lần theo thông tin cung cấp của bạn đọc, chúng tôi về xóm Văn Cử, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh tìm đến gia đình ông Từ Hữu Mậu (67 tuổi) và được chứng kiến hoàn cảnh quá ngặt nghèo của ông khi ông cùng hai cô con gái đều mù chữ, thiểu năng, hầu như không còn khả năng lao động, quanh năm suốt tháng sống bằng việc đi xin ăn.


Khổ tận những kiếp người tội nghiệp
Ông Mậu từ nhỏ vốn người ốm yếu, thất học, nhà nghèo, quanh năm suốt tháng chỉ biết làm thuê khắp vùng. Nói là làm thuê nhưng chỉ biết bổ củi, đổ phân, phun thuốc, cuốc cỏ rồi kiếm lon gạo, con cá, miếng thịt về để nuôi vợ con.
Kết duyên với bà Hương (ông Mậu không nhớ họ) quê Thạch Kênh, Thạch Hà sinh được ba cô con gái nhưng cả ba đứa đều thiểu năng trí tuệ, sức khỏe kém.
ăn xin, nhà nghèo, thiểu năng
Ba cha con nhà ông Mậu
Con gái đầu bỏ nhà đi biệt xứ mười mấy năm không biết tung tích, hiện còn chị Từ Thị Dần (41 tuổi) và chị Từ Thị Tứ (34 tuổi), cả hai chị đều không biết chữ. Cách đây hơn 20 năm, vợ ông Mậu vì không chịu đựng được sự nghèo khó nên đã bỏ về quê, nỗi khổ lại chồng chất lên đôi vai của ông Mậu.
Nhà có được hai sào ruộng nhưng không biết cách canh tác nên mỗi mùa chỉ được hơn tạ lúa, tiết kiệm mấy cũng chỉ được vài ba tháng ăn là hết. Theo chị Tứ (con gái út) và bà con hàng xóm cho biết thì từ trước đến nay ngoài những ngày Tết hầu như gia đình ông Mậu không biết đến thịt cá, cơm thì vài ba ngày mới xin được gạo nấu một lần, chủ yếu cha con chỉ đi xin và ăn trực tiếp ở nhà người ta.
ăn xin, nhà nghèo, thiểu năng
ăn xin, nhà nghèo, thiểu năng
Chỗ nấu ăn và ở của 2 con ông Mậu
Không có nguồn nước sinh hoạt: không giếng, không bể, không thùng, không xô, không chậu trữ nước, khi có gạo nấu cơm, cha con lại phải bê luôn cả nồi sang nhà hàng xóm xin nước. Việc tắm rửa, giặt giũ hầu như chỉ trông chờ vào chiếc hồ nhỏ cạnh nhà. Nói là hồ nhưng đó chỉ là một chỗ nước tù đọng bẩn thỉu.
ăn xin, nhà nghèo, thiểu năng
Chỗ tắm giặt của nhà ông Mậu
Một điều không thể tin là từ trước đến nay, gia đình ông Mậu không hề có nhà vệ sinh cho dù đó chỉ là nhà vệ sinh tạm bợ một cách tối thiểu nhất. Khi có nhu cầu vệ sinh, nếu không chạy được sang nhà hàng xóm thì ba cha con sẵn đâu ngồi đấy, khu vườn nhỏ ẩm thấp lại càng thêm ô nhiễm, mùi hôi thối nồng nặc.
Giường ngủ trong nhà không có chiếu, không có màn. Trên giường chỉ bề bộn đồ áo cũ được hỗ trợ từ đợt lũ 2010, hầu hết áo quần chỉ là tấm giẻ rách vì không được giặt giũ, phơi phóng trong nhiều năm.
Cần lắm những tấm lòng…
Năm 2009, mấy cha con ông được huyện, xã và doanh nghiệp tài trợ, làm cho 2 căn nhà nhỏ để ở. Nhà chính ông Mậu ở, còn nhà của hai đứa con gái ngay cạnh bên một gian và chái bếp. Làm xong nhà, huyện, xã còn huy động thêm để mua giường chiếu, nồi niêu, quần áo ủng hộ thêm vì lúc đó hầu như ba cha con ông Mậu không có nổi dù chỉ một chiếc giường để nằm.
ăn xin, nhà nghèo, thiểu năng
Ông Mậu ngồi trước căn bếp tồi tàn
Đưa những ái ngại về nỗi khổ trần gian của gia đình ông Mậu trao đổi với lãnh đạo địa phương, ông Trần Xuân Hải – Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Chiều nay (26/11), xã đã quyết định cho ông Từ Hữu Mậu và cô con gái Từ Thị Dần được hưởng trợ cấp, mỗi người 270.000 đồng/tháng.
“Riêng chị Từ Thị Tứ vẫn còn sức lao động và tỉnh táo hơn chúng tôi tiếp tục hỗ trợ và giúp đỡ để tự lao động và phục vụ bản thân, nếu không thể thì xã sẽ xem xét vào đợt sau”, ông Hải nói.
Về vấn đề gia đình ông Mậu không có nguồn nước, ông Hải cho biết: cuối tháng này lãnh đạo xã sẽ họp bàn tìm phương án hỗ trợ, sự thật thì hiện nay xã không có nguồn quỹ nào để hỗ trợ vấn đề này.
Cả ba cha con ông Mậu đang cần lắm những tấm lòng, sự sẻ chia của các nhà hảo tâm, để phần nào bớt khó khăn, có được những sinh hoạt tất yếu của cuộc sống mà lâu nay họ không có.